Về Giai Xuân nghe điệu Cồng Chiêng
13/09/2024 11:31
   
Về Giai Xuân nghe điệu Cồng Chiêng
Không hẹn mà gặp, tình cờ qua Tân Kỳ nơi cột mốc Km0 của đường mòn Hồ Chí Minh đúng dịp Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường...

dự buổi liên hoan văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An, chúng tôi bất ngờ được thưởng thức những tiết mục cồng chiêng của đồng bào Thổ. Theo chân đội cồng chiêng độc đáo này, chúng tôi về Giai Xuân, lại bất ngờ hơn khi được biết, có cả một câu lạc bộ đủ mọi lứa tuổi đang bền bỉ lưu truyền, lan tỏa những giá trị của văn hóa truyền thống.

Tiếng cồng chiêng lôi cuốn lòng người

Đối với đồng bào dân tộc Thổ, tiếng cồng, chiêng gắn bó với họ trong suốt cả cuộc đời, từ khi mới sinh ra cho tới lúc chết đi, trở về với tổ tiên. Từ khi còn nhỏ xíu, đã được cha mẹ bồng đi xem hát múa cồng chiêng. Khi lớn dần thì tiếng cồng chiêng cũng ngấm vào máu thịt, rồi biết đánh cồng chiêng thành thạo, biết hát, biết nhảy các điệu dân gian. Rồi lúc trưởng thành, nhờ các lễ hội cồng chiêng, các buổi hát đối để giao duyên, tìm kiếm bạn đời. Đến khi qua đời, cũng được tiếng cồng chiêng đưa tiễn.

Tuy nhiên, do những năm chiến tranh ly tán và nhiều điều kiện khác, văn hóa cồng chiêng của đồng bào Thổ ở Tân Kỳ cũng bị một thời gian dài mai một. Không có điều kiện để sinh hoạt, những bộ cồng chiêng vì vậy cũng bị bán đi, có khi trở thành “đồng nát”, có khi bị ‘biến tấu” thành những dụng cụ sinh hoạt khác. Mãi cho đến những năm 1990s, bà con nhớ tiếng cồng, tiếng chiêng, đã dần dà tụ họp nhau lại, đi gom nhặt từng chiếc cồng, chiếc chiêng, chỉnh âm chỉnh tiếng, cùng đánh cùng chơi, và múa hát. Dần dần, hình thành nên một câu lạc bộ cồng chiêng ở xã Giai Xuân.

Theo bà Trương Thị Thống, một thành viên câu lạc bộ Cồng chiêng xóm Long Thọ, xã Giai Xuân, cho biết: “Như dịp Tết ấy, mọi người còn đi đánh cồng chiêng, hát hò từ 30 Tết đến rằm tháng Giêng luôn. Cứ xóm này nghe xóm kia có cồng chiêng là rủ nhau cả đoàn sang chơi. Đánh cồng chiêng, hát hò đối đáp thâu đêm, đến sáng luôn. Mọi người đối đáp giỏi lắm. Nhiều người không biết chữ nhưng hát đối đáp rất hay”.

Bà con đồng bào dân tộc Thổ xã Giai Xuân biểu diễn tại lễ bế mạc các hoạt động Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Nghệ An. Ảnh: NAM ĐÔNG

Câu lạc bộ Cồng chiêng của xã Giai Xuân được thành lập năm 2022. Nhưng từ trước đó rất lâu, mọi người vẫn thường hay tụ tập ở nhà bà Thống để chơi cồng chiêng, hát múa và đan võng gai. Mãi sau này thì mới tách ra thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng và Tổ hợp tác đan võng gai riêng biệt.

Tại câu lạc bộ, các ông, các bà, các cô cùng dạy nhau đánh cồng chiêng, chia sẻ các điệu cồng chiêng của ông bà, cha mẹ mà mỗi người còn nhớ. Ở xã mọi người thường dạy nhau đánh cồng chiêng theo kiểu truyền miệng, theo trí nhớ, theo sự quan sát tự học hỏi.

Tay vuốt ve những chiếc cồng đen bóng, bà Thống giải thích cho chúng tôi: “Mình thấy người ta đánh rồi mình học theo thôi. Nghe tiếng mà học đánh. Bộ cồng có bốn cái thì có bốn âm tiết khác nhau và mình phải phân biệt được từng âm tiết. Nếu đánh sai thì nó lại chuyển thành làn điệu khác mất. Thí dụ, mình đánh “bôông bìì, bôông bìì...” hay “bôông bì, bôông bôông bì...”.

Đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An hiện có khoảng hơn 70 nghìn người, phần lớn sinh sống ở khu vực miền núi Tây Bắc của tỉnh, tập trung chủ yếu tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ và thị xã Thái Hòa. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay đồng bào người Thổ ở Nghệ An vẫn duy trì được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc như trang phục truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ. Trong đó, nghệ thuật cồng chiêng đóng một vai trò quan trọng và thiêng liêng trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ.



  • Người La Chí giữ nghề dệt

    Người La Chí là một trong những dân tộc có truyền thống tự làm trang phục từ khâu trồng bông, dệt vải cho đến may, thêu. Trang phục của người La Chí giản dị, nhưng mang bên trong đó cả một kho tàng văn hóa, tri thức dân gian. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thời kỳ công nghiệp hiện đại, những bộ trang phục đang dần mai một, và người La Chí cũng đang khá vất vả để giữ gìn và truyền nghề cho các thế hệ sau.

 Người đang truy cập: 51
 Tổng số truy cập: 2417886